Một buổi sáng thứ bảy của vài năm trước, tôi và vợ Elizabeth đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề của tôi. Như bao cuộc tranh luận khác, cô ấy bất lực với sự chối cãi của tôi, còn tôi thì cảm thấy như mình là nạn nhân của sự tức giận của vợ mình. Sau cùng, khi cuộc tranh cãi đạt đỉnh điểm, Elizabeth đã hét lên trong uất ức:
“Anh không khác gì một thằng hèn!”
Sau đó cô ấy rời khỏi phòng, trong khi tôi thì vào nhà vệ sinh để lau đi đôi mắt ướt sũng.
Sau vài phút bình tĩnh lại, vợ tôi đã quay lại và gõ cửa nhà vệ sinh. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng cô ấy định quay lại để ra “đòn kết liễu” tôi luôn, nhưng không ngờ cô ấy lại xin lỗi.
“Em xin lỗi vì đã gọi anh là thằng hèn, thật không đúng khi nói như thế!”
“Thật sự thì đó là điều chính xác nhất mà em đã thốt ra trong suốt buổi sáng hôm nay” – tôi vừa thừa nhận vừa dụi đôi mắt của mình.
Sự thật thì không dễ nghe, nhưng Nice Guy đúng là những gã hèn. Họ thường thích đóng vai nạn nhân vì “life paradigm” và cơ chế sinh tồn thuở nhỏ sẽ “yêu cầu” họ hy sinh sức mạnh cá nhân.
Như đã đề cập ở các chương trước, vấn đề chung của các Nice Guy là họ thường không được đáp ứng một cách lành mạnh và đúng lúc. Những cậu nhóc Nice Guy này bất lực trong việc ngăn người khác bỏ rơi, bạo hành, lạm dụng, chèn ép mình. Những đứa nhóc này là nạn nhân của những người thất bại trong việc yêu thương, chăm sóc, quan tâm và bảo vệ chúng.
Bởi những trải nghiệm tuổi thơ đáng quên này, các Nice Guy thường mang tâm lý “mình là nạn nhân”. Và họ sẽ có xu hướng muốn người khác chịu trách nhiệm cho những vấn đề của cuộc đời họ. Hậu quả là các Nice Guy thường cảm thấy uất ức, bất lực, tổn thương và giận dữ. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều này bằng cách quan sát ngôn ngữ hình thể, chú ý giọng nói của họ.
“Không công bằng tí nào!”
“Tại sao cô ấy lại có quyền đặt ra luật lệ chứ?”
“Tôi toàn bị lợi dụng.”
“Tại sao cô ấy không…”
SỰ YẾU NHƯỢC
Để đương đầu với trải nghiệm bị ruồng bỏ thuở nhỏ, các Nice Guy thường sẽ rập khuôn suy nghĩ mình như “Nếu mình tốt thì mình sẽ được quý mến, đáp ứng nhu cầu và có một cuộc sống dễ dàng”. Thật không may, khuôn mẫu này không những phản tác dụng mà còn tạo ra cảm giác yếu nhược, bất lực.
Mặc dù Nice Guy thường cố hết sức để có một cuộc sống suôn sẻ, có hai nguyên nhân chính khiến mục tiêu này của họ không thực hiện được. Đầu tiên, việc họ đang cố làm là BẤT KHẢ THI, đời không bao giờ như mơ mà rất là hỗn loạn. Cuộc sống lúc nào cũng sẽ dẫn chúng ta đến những trải nghiệm khó đoán và không thể điều khiển theo ý muốn. Cố tạo dựng một cuộc sống theo ý muốn và có thể kiểm soát theo kế hoạch là một việc làm ngu xuẩn và vô ích.
Mặc cho thực tế là chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn và không thể đoán trước, các Nice Guy không những tin rằng cuộc đời có thể suôn sẻ, mà còn tin rằng nó NÊN suôn sẻ theo cách mà họ muốn. Sự ảo tưởng này là hệ quả trực tiếp của những trải nghiệm bị bỏ rơi lúc nhỏ. Việc không được đáp ứng nhu cầu đúng lúc và đúng cách (một cách không thể đoán trước) không chỉ là một trải nghiệm tệ hại, mà nó còn là mối đe dọa tiềm ẩn cho cuộc đời của các Nice Guy.
Để có thể đương đầu với tuổi thơ bất ổn của mình, các Nice Guy đã tạo ra một niềm tin rằng nếu họ làm đúng mọi việc, thì cuộc sống sẽ diễn ra đúng theo ý họ. Đôi khi những gã này còn tự huyễn hoặc bản thân rằng họ có một tuổi thơ đẹp và suôn sẻ (thực tế thì trái ngược) để đương đầu với những trải nghiệm bị bỏ rơi. Đây là những niềm tin méo mó, nhưng những “ảo mộng” này giúp những đứa trẻ này có thể đương đầu với thực tế hỗn loạn mà chúng không thể kiểm soát.
Lí do thứ hai khiến Nice Guy không bao giờ đạt được mục tiêu chính là họ luôn làm sai cách. Với cách tiếp cận vấn đề của người trưởng thành bằng tâm thế của một đứa trẻ ngây thơ ngờ nghệch, gần như chắc chắn rằng Nice Guy không thể nào tạo dựng được bất cứ thứ gì ổn định trong cuộc sống.
Sự phụ thuộc vào cơ chế sinh tồn sai lệch thuở nhỏ (vốn dĩ vô dụng) sẽ làm Nice Guy mắc kẹt trong những kí ức đáng sợ và vòng lặp tâm lý nạn nhân. Càng sợ hãi thì càng phụ thuộc vào cơ chế sai lệch, càng phụ thuộc thì càng khó để vượt qua những rào cản, khó khăn trong cuộc sống. Càng thất bại thì càng sợ hãi với cuộc sống. Bạn hình dung được chứ?
BÀI THỰC HÀNH SỐ #17
Hãy nhìn vào danh sách những chiến thuật mà Nice Guy dùng để cố tạo ra cuộc sống suôn sẻ dưới đây. Hãy viết ra ví dụ cách mà bạn dùng những chiến thuật này lúc nhỏ, sau đó hãy nghĩ xem bạn dùng những chiến thuật này thế nào khi bạn đã trưởng thành. Hãy ghi chú lại cách mà những chiến thuật này khiến bạn cảm thấy mình mang tâm lý nạn nhân, sau đó hãy chia sẻ với người mà bạn tin tưởng.
– Cố làm đúng.
– Cố chơi an toàn.
– Đoán trước và sửa sai.
– Cố gắng không gây xáo trộn.
– Tỏ ra tốt bụng và có ích.
– Cố gắng không gây ra vấn đề.
– Tự thỏa thuận ngầm.
– Điều khiển và thao túng.
– Quan tâm và cố làm hài lòng.
– Giấu giếm thông tin.
– Đè nén cảm xúc.
– Cố không làm phật ý người khác.
– Tránh né vấn đề.
NHỮNG CÁCH ĐỂ NGỪNG NHU NHƯỢC – TÌM LẠI SỨC MẠNH CÁ NHÂN
Tôi định nghĩa “sức mạnh cá nhân” là một trạng thái tâm lý của một người tự tin rằng anh ta có thể kiểm soát được bất cứ tình huống nào có thể diễn ra. Thứ sức mạnh này không chỉ là kiểm soát được bất lợi, khó khăn hay nghịch cảnh. Mà nó còn chào mừng, tiếp đón và biết ơn những khó khăn đã xảy đến. Có được thứ sức mạnh này không có nghĩa là hoàn toàn không sợ gì nữa, ngay cả người quyền lực nhất cũng có nỗi sợ của riêng họ. Sức mạnh cá nhân là kết quả của việc cảm thấy sợ hãi, nhưng không vì thế mà bị nỗi sợ nhấn chìm.
Phục hồi từ hội chứng Nice Guy sẽ giúp đấng mày râu nắm lấy sức mạnh cá nhân của họ – thứ vốn dĩ là bẩm sinh. Quá trình tìm lại sức mạnh cá nhân bao gồm:
– Đầu hàng.
– Tập trung vào thực tại.
– Bày tỏ cảm xúc.
– Đối mặt với nỗi sợ.
– Phát triển tính chính trực.
– Đặt ra giới hạn của bản thân.
BIẾT KHI NÀO NÊN TỪ BỎ ( HAY ĐẦU HÀNG)
Buồn cười thay, khía cạnh quan trọng nhất để có thể tìm lại sức mạnh cá nhân và đạt được điều mình muốn trong tình cảm và đời sống lại chính là TỪ BỎ. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là bỏ đi tất cả, mà là buông tay cho những thứ không thể thay đổi rời đi và thay đổi những thứ có thể.
Buông tay không phải là không quan tâm hay ngừng cố gắng, chỉ là hãy buông bỏ để mọi thứ trọn vẹn hơn . Nó giống như là việc chúng ta mở một bàn tay đang siết chặt và giải phóng mọi áp lực dồn nén bên trong, ban đầu thì các ngón tay sẽ muốn quay trở lại vị trí siết chặt ban đầu. Nhưng dần dần bàn tay của chúng ta sẽ quen với vị trí mở và thả lỏng. Học cách từ bỏ là như thế đó!
Từ bỏ giúp cho các Nice Guy cho đi và tận hưởng vẻ đẹp muôn màu phức tạp của cuộc sống, chứ không phải tìm cách kiểm soát chúng. Việc học cách từ bỏ còn làm cho các Nice Guy cảm thấy cuộc đời này giống như một phòng thí nghiệm, mà ở đó họ mặc sức học hỏi, phát triển và sáng tạo. Bài học này còn giúp Nice Guy nhìn nhận những trải nghiệm trong cuộc sống như là những món quà của vũ trụ nhằm khuyến khích họ trưởng thành, chữa lành và học hỏi. Áp dụng được bài học này, các Nice Guy sẽ ngừng hỏi “Tại sao việc này lại xảy đến với tôi?”. Thay vào đó, bằng một câu hỏi tích cực hơn như “Tôi học được gì từ trải nghiệm này?”
Gil là một ví dụ cho việc học cách từ bỏ, mối quan hệ của anh và cô bạn gái Barb dường như đã đạt tới đỉnh điểm của sự khủng hoảng. Gil luôn cho rằng bạn gái anh là người có vấn đề chứ không phải là anh, cô ấy luôn buồn bã, giận dỗi vô cớ, và thường tránh né việc quan hệ với anh. Gil kể lại rằng lúc đó anh cứ như đang bước qua một đống vỏ trứng, anh luôn cố gắng cẩn thận để không làm bạn gái mình “vụn vỡ”.
Hai người đã ngoài 50, họ chung sống với nhau đã được 8 năm. Họ đã nghĩ đến việc kết hôn, nhưng cả hai đều cảm thấy e dè vì sự bất ổn trong mối quan hệ này. Sau vài tháng cùng với vài lời khuyên, Gil bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận rằng vấn đề không nằm ở Barb mà là ở tính thích kiểm soát và quan tâm quá mức của anh. Anh cũng nhận ra rằng mình không có nổi một mối quan tâm nào khác ngoài Barb và cũng không có bạn bè là đàn ông. Vài tháng sau, Gil quyết định tham gia vào nhóm No more Mr. Nice Guy!
Ngay cả khi đã nhận ra rằng vấn đề và lối sống kém hiệu quả của mình, Gil vẫn cố tìm cách để làm Barb “tốt” hơn. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian, nhưng dần dà Gil cũng nhận ra rằng việc cố thay đổi người khác theo ý mình là không thể, và anh nên tập trung vào bản thân nhiều hơn. Ban đầu anh cảm thấy lo sợ khi học cách từ bỏ và ngưng bám dính lấy Barb, anh sợ rằng nếu làm vậy thì mình sẽ gặp rắc rối, và Barb cũng sẽ không thể xoay sở được nếu như không có anh.
Với sự động viên của nhóm, Gil đã học được cách từ bỏ. Anh đã rất ngạc nhiên và vui sướng khi thấy rằng mối quan hệ của anh đang được cải thiện rõ rệt. Sau khi học được cách từ bỏ việc cố kiểm soát, chăm sóc Barb quá mức và ngừng bám víu vào tâm trạng của cô, Gil dần cảm thấy rằng Barb như là một “món quà” để chữa lành những tổn thương tâm lý gây ra bởi bố của anh.
Một năm sau đó, Gil có thông báo với nhóm rằng anh và bạn gái đã lên kế hoạch kết hôn. Anh nói rằng mối quan hệ đã trở nên khắng khít hơn cả anh mong đợi. Sự khác biệt đã diễn ra khi anh quyết định từ bỏ việc cố kiểm soát những việc ngoài tầm với. Sau cùng, anh nói rằng bài học này đã giúp anh cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #18
Hãy nghĩ về một “món quà” mà vũ trụ đã ban cho bạn mà ban đầu bạn lại từ chối nó, nhưng sau đó nó lại là thứ giúp bạn trở nên trưởng thành và khám phá nhiều hơn.
Liệu còn có những “món quà” nào mà bạn phải học cách từ bỏ để “nhận” được chúng không? Hãy viết ra và chia sẻ với người mà bạn tin tưởng!
HÃY TẬP TRUNG VÀO THỰC TẠI
Các Nice Guy thường cố kiểm soát thế giới quanh họ bằng cách tạo dựng nên những ảo tưởng về con người và những tình huống không có trong thực tế. Đó là lí do tại sao hành vi của các Nice Guy thường rất phi logic.
Les là một gã đàn ông khiêm tốn ở tuổi ngoài 30, anh có chuyện tình ngắn ngủi với một nữ đồng nghiệp. Vào những buổi trị liệu đầu tiên, tôi đã hỏi rằng tại sao anh nghĩ anh lại có một chuyện tình như vậy. “Tôi cũng chả biết, có lẽ là tôi chỉ muốn được quan tâm mà thôi.” – Les bộc bạch.
Tôi tiếp tục hỏi về cách mà anh thể hiện sự giận dữ đối với vợ mình. “Tôi chưa từng giận dữ với Sarah”, Les vừa trả lời vừa nhìn tôi một cách lúng túng.
“Ý anh là trong suốt 10 năm hôn nhân, vợ anh chưa từng làm anh tức điên lên à?”, tôi hỏi bằng một ngữ điệu châm chọc.
Càng nghe Les kể về vợ, tôi càng thấy rõ anh là một gã đội vợ lên đầu. Tôi cũng dễ dàng nhận ra được là Les không sống trong thực tại. Khi được tôi hỏi cụ thể hơn, Les đã kể về việc vợ anh tăng 60 pounds, từ chối việc bếp núc, tránh né chuyện chăn gối, thiếu tôn trọng và giận dữ vô cớ như thế nào. Dẫu vậy, Les một mực nói rằng vợ là người phụ nữ của đời anh và anh rất yêu cô.
Trong những tháng trị liệu tiếp theo, tôi đã cố kéo Les trở lại thực tại để anh nhìn nhận rõ hơn về cuộc hôn nhân này. Đây là một quá trình khá tốn thời gian và khó khăn, bởi Les đã bám víu vào vợ mình quá nhiều, và anh rất sợ sự cô độc. Trở lại thực tại đối với anh là một việc khủng khiếp và rất khó khăn.
Sau khi đủ dũng cảm để đối diện với nỗi sợ của mình, Les dần quan sát vợ mình một cách thực tế hơn. Anh dần biết đòi hỏi điều mình muốn, đặt ra giới hạn, bộc lộ sự giận dữ của mình chứ không phải đè nén như lúc trước. Dần dần anh nhận ra được sự thiếu tôn trọng của vợ mình trong mối quan hệ này, dù rất đau đớn và buồn bã, Les quyết định rời đi và ly hôn.
Việc tập trung vào thực tại đã giúp Les nhìn ra sự ảo tưởng của bản thân về vợ. Nó giúp anh dù khó khăn nhưng vẫn đưa ra quyết định thực tế. Anh cũng dần tìm lại được sức mạnh tinh thần của bản thân và tạo nên những thay đổi cần thiết cho cuộc đời, nó còn tạo ra cơ hội để anh tìm và tạo dựng một mối quan hệ mới mà anh hằng mong muốn.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #19
Suy nghĩ và chọn ra những khó khăn mà bạn không thể kiểm soát được trong cuộc sống. Hãy lùi lại và nhìn nhận kĩ hơn về những khó khăn này, có phải những khó khăn này là do sự kém thực tế của bạn gây ra không? Và hãy nghĩ xem nếu nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn, bạn sẽ xử lý chúng như thế nào?
HỌC CÁCH BỘC LỘ CẢM XÚC
Các Nice Guy thường phát điên vì hai thứ: cảm xúc bản thân và cảm xúc của người khác. Bất cứ loại cảm xúc nào cũng khiến họ cảm thấy mất kiểm soát. Khi còn nhỏ, việc thể hiện cảm xúc quá nhiều có thể thu hút sự chú ý tiêu cực hoặc sẽ không được chú ý. Vì vậy, các Nice Guy sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu họ đè nén những cảm xúc ấy, việc này giúp họ tránh phải nhận những sự chú ý tiêu cực hay cảm giác bị bỏ rơi (do không được chú ý).
Tôi còn nhớ rất rõ vào những năm đầu tiên trong cuộc hôn nhân, Elizabeth thường tỏ ra rất thất vọng vì tôi bất lực trong việc bày tỏ cảm xúc của mình. Như đa số các Nice Guy khác, tôi cảm thấy việc thể hiện cảm xúc là một việc rất nguy hiểm. 30 năm sau đó, tôi vẫn không thể nào biết được Elizabeth muốn gì ở tôi.
Ngay cả khi tôi bắt đầu quan tâm tới cảm xúc của bản thân hơn, tôi vẫn cố giữ nó cho riêng mình. Việc một Nice Guy bày tỏ cảm xúc của anh với bạn đời của mình là một việc hiếm gặp đến buồn cười. Một lần nọ, vợ tôi đã bực tức khi tôi nói rằng tôi có những tâm sự giữ kín đã lâu. “Sao anh không nói luôn ngay từ khi anh cảm thấy như vậy?”
“Anh đang cố đây. Anh chỉ mất có 2 tuần để suy nghĩ có nên thổ lộ với em hay không.”, tôi trả lời một cách không thể Nice Guy hơn.
Tôi thường nghe các Nice Guy chống chế cho việc giấu nhẹm đi cảm xúc là vì họ không muốn làm người khác tổn thương. Sự thật thì họ mới là người sợ bị tổn thương. Kiểu chống chế này có thể hiểu như sau: “Tôi che giấu cảm xúc của tôi vì tôi sợ lại phải đối mặt với kí ức đáng quên lúc nhỏ của mình”. Thật ra họ không phải đang nghĩ cho người khác đâu, họ chỉ cố giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát của họ mà thôi.
Tôi thường nói với các Nice Guy rằng: “Cảm xúc chỉ là xúc cảm mà thôi. Nó không có giết anh đâu!”. Dù cho Nice Guy có cảm thấy sợ hãi, xấu hổ, bất lực, cô độc, giận dữ hay đau khổ như thế nào, thì cảm xúc cũng không phải là một mối đe dọa đối với anh ta.
Việc yêu cầu các Nice Guy học cách bộc lộ cảm xúc không khiến họ yếu mềm đi, mà là để họ hiểu và tôn trọng bản thân hơn. Một người đàn ông hiểu rõ cảm xúc bản thân là một người mạnh mẽ, quyết đoán và tràn đầy năng lượng. Điều này trái ngược với niềm tin của các Nice Guy, thực tế thì họ không cần phải giống với phụ nữ để hiểu rõ cảm xúc bản thân hơn. Vì vậy tôi thường ủng hộ các Nice Guy giúp đỡ nhau trong việc học cách hiểu rõ cảm xúc của mình hơn – men learn from other men.
Thật sự thì không có một phương thức cụ thể nào để kết nối lại với những cảm xúc bị đè nén đã lâu. Tuy vậy các thành viên trong nhóm có thể giúp đỡ nhau trong việc phục hồi cảm xúc, việc này có thể tốn thời gian nhưng lại rất quan trọng! Dễ hiểu hơn thì nhóm No more Mr Nice Guy giống như là một gia đình thứ hai vậy, tại đây các Nice Guy có thể yêu cầu sự giúp đỡ. Khi những cảm xúc có vẻ trở nên hỗn loạn, thì nhóm giống như là một nơi an toàn để bạn có thể “buông thả” cảm xúc trong chốc lát mà không cần phải sợ rằng mình sẽ mất kiểm soát. Họ cũng sẽ hiểu ra rằng sẽ rất bình thường nếu ai đó quanh họ bộc lộ ra cảm xúc.
Cảm xúc là một phần không thể tách rời của con người. Bằng cách học và hiểu được ngôn ngữ cảm xúc, các Nice Guy sẽ biết bỏ đi những thứ “hành lý” không cần thiết trong cuộc đời của họ. Chỉ có như vậy thì Nice Guy mới có những trải nghiệm mới về nguồn năng lượng, sự lạc quan, gắn bó và hạnh phúc đối với cuộc sống này.
Bài học này đến với tôi một cách rất tình cờ vào vài năm trước. Một ngày nọ, Elizabeth trở về và nói với tôi rằng cô ấy đã lỡ làm xe của tôi bị hỏng. Cô ấy cảm thấy rất có lỗi và sẵn sàng chờ đợi những lời mắng mỏ của tôi. Trước cả khi tôi có cơ hội để phản ứng, thì cô ấy đã tạo sẵn một lá chắn để bảo vệ bản thân. (Tỏ vẻ biết lỗi và sẵn sàng bị mắng – ND)
Lúc đó tôi đã nổi giận, không phải vì chiếc xe của tôi bị hỏng mà là vì cái cách cô ấy không quan tâm đến cảm xúc của tôi. Tôi đã thể hiện cảm xúc của mình một cách rất mãnh liệt và rõ ràng. Bằng một cách không xúc phạm hay công kích, tôi nói “Ngừng lại cho anh!”. Thái độ này đã làm cô ấy rất bất ngờ (thậm chí cả tôi cũng vậy), tôi đã nói rằng tôi không muốn việc này (lơ đi cảm giác của đối phương) diễn ra trong mối quan hệ của chúng tôi. Tôi có buồn về việc chiếc xe của tôi bị hỏng, nhưng tôi còn thất vọng hơn về cách mà vợ tôi hành xử. Tôi đã nói rằng: “Cứ để anh bực bội về chuyện chiếc xe đã, rồi sau đó ta sẽ nói rõ với nhau hơn!”
Sau đó Elizabeth có thổ lộ với tôi (và cả một vài người bạn của cô ấy) rằng cô ấy cảm thấy yên tâm hơn khi tôi bộc lộ cảm xúc của mình. Cuối cùng cô ấy đã có thể nghe về việc tôi đã buồn như thế nào khi xe bị hỏng, nhưng không vì thế mà tôi nghĩ rằng cô ấy tệ hại và bỏ rơi cô. Thực tế là vợ tôi đã cảm thấy yên tâm và yêu thương tôi hơn khi tôi nói rằng sẽ không cho phép cô ấy làm lơ cảm xúc của tôi. Sau cùng thì vợ tôi cảm thấy hiểu tôi hơn thông qua cảm giác của tôi về chuyện chiếc xe bị hỏng. Tình huống bất ngờ này đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn và hiểu hơn về cách chữa lành tổn thương do dồn nén cảm xúc bằng cách bộc lộ chúng một cách mãnh liệt và trực tiếp.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #20
Sau đây là một vài lời khuyên dành cho những cảm xúc bị dồn nén:
– Đừng tập trung vào người khác, “Em làm anh tức điên lên rồi đấy!”
Thay vào đó, hãy tập trung vào cảm xúc của bản thân hơn: “Anh đang rất tức giận đấy!”
– Đừng cố miêu tả những gì bạn đang nghĩ, ví dụ như “Tôi cảm thấy Joe đã cố lợi dụng tôi!”
Thay vào đó, hãy chú ý hơn về diễn biến bên trong bạn: “Tôi cảm thấy bất lực và đau khổ!”
– Tóm lại, hãy tránh nói những câu mà mục tiêu là người khác. Hãy tập bắt đầu câu bằng “tôi”.
HÃY ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NỖI SỢ
Sợ hãi là một trạng thái rất đỗi bình thường của con người. Ai cũng từng sợ hãi, ngay cả những người dường như không biết sợ là gì. “Sợ hãi lành mạnh” là một báo hiệu của cơ thể đối với những nguy hiểm sắp xảy ra, điều này khác hoàn toàn với nỗi sợ vô lý của các Nice Guy.
Nice Guy thường sợ hãi những điều rất chi là nhỏ nhặt, thậm chí ở mức “tế bào” (cực nhỏ). Nỗi sợ đó có thể là kí ức về những thứ có vẻ sẽ đe dọa đến cuộc sống của họ, hay một trải nghiệm đáng quên thuở nhỏ khi mà họ còn phải phụ thuộc và vô dụng. Sự sợ hãi vô lý này bắt nguồn từ việc không được đáp ứng nhu cầu một cách kịp thời và đúng cách. Nó được nuôi dưỡng bởi hệ thống tâm lý sợ hãi, một hệ thống tâm lý luôn bảo thủ với niềm tin của mình và tránh né rủi ro. Sự sợ hãi này càng được củng cố bởi một thực tế rằng cuộc sống này luôn đầy rủi ro, hỗn loạn và không thể đoán trước. Tôi gọi nỗi sợ này là Nỗi sợ quá khứ
Do nỗi sợ quá khứ được tạo nên từ thuở nhỏ, nên các Nice Guy thường tiếp xúc thế giới xung quanh họ với tâm lý rằng nó rất nguy hiểm và quá sức đối với họ. Để đối diện với thực tại tàn khốc, các Nice Guy thường “chơi” theo kiểu dè chừng và luồn cúi.
Cũng chính bởi cách “chơi” này mà các Nice Guy thường gặp phải những đau khổ không cần thiết.
Đau khổ bởi vì tránh né những cơ hội, cách “chơi” mới.
Đau khổ vì chỉ dám “chơi” theo kiểu quen thuộc và nhàm chán.
Đau khổ vì họ đã trì hoãn, tránh né và thất bại trong việc kết thúc những gì mà họ bắt đầu.
Đau khổ bởi vì họ làm cho tình huống trở nên tệ hại hơn chỉ vì lặp lại lối “chơi” vô dụng trước đó.
Đau khổ vì tốn quá nhiều năng lượng để cố kiểm soát những thứ không thể kiểm soát.
Nolan là một ví dụ cụ thể cho việc mắc phải “hiệu ứng tê liệt” do nỗi sợ quá khứ. Anh ta tìm đến tôi qua lời giới thiệu của một người bạn, anh đã ly thân với vợ được một năm rồi nhưng vẫn không thể đưa ra quyết định về việc có ly hôn hay không.
Nolan thường nói với tôi rằng anh cảm thấy mình đang rối như tơ vò, và nó còn đi cùng với cảm giác tội lỗi cùng cực.
Anh cân nhắc về vấn đề này liên tục. Liệu có đúng không khi quyết định ly hôn? Liệu trong tương lai đó có phải là một quyết định sai lầm hay không? Các con của anh sẽ ra sao? Liệu chúng có còn nhìn mặt anh nữa hay không? Liệu bạn bè có đàm tiếu anh hay không? Chúa có trừng phạt anh không?
Chừng nào Nolan còn mắc kẹt trong mớ suy nghĩ lộn xộn này, thì chừng đó anh còn ở trạng thái tê liệt.
Tôi đã nói với Nolan rằng không phải anh đang rối trí, mà thật ra anh đang sợ hãi. Ngay từ lúc đầu anh đã vào trạng thái phòng thủ rồi. Nolan thì lại không cho rằng anh đang sợ hãi, sau đó chúng tôi đã bàn về những nỗi sợ hãi của anh thuở nhỏ. Dần dần Nolan nhận ra những lỗi lầm anh mắc phải thuở nhỏ đến bây giờ vẫn để lại hậu quả. Anh ta cũng tin rằng đây chính là nguyên nhân của tình trạng hiện tại.
Đằng sau sự sợ hãi việc ra quyết định của Nolan trưởng thành là sự sợ hãi việc không thể kiểm soát được những thứ sẽ diễn ra của Nolan thuở nhỏ.
Sau đó, tôi đã giúp Nolan vẽ ra những viễn cảnh có thể xảy ra nếu như anh ly hôn vợ.
Đằng sau mỗi viễn cảnh có thể xảy ra đều là sự sợ hãi vô thức của anh về việc không thể kiểm soát được chúng.
Tôi đã để Nolan về nhà cùng với một danh sách những nỗi sợ của anh, bên cạnh mỗi nỗi sợ đều có một dòng chữ “Dù chuyện gì có xảy ra, thì tôi vẫn sẽ kiểm soát được”. Tuần tiếp theo, Nolan tự hào báo cho tôi biết rằng anh đã liên hệ với luật sư để làm thủ tục ly hôn. Mặc dù đã có lúc anh cảm thấy rất bất an và sợ hãi, nhưng dần dần anh đã lấy lại được sự bình tĩnh với câu thần chú “tôi sẽ kiểm soát được”.
Đối diện nỗi sợ hiện tại là cách duy nhất để có thể đánh bại được nỗi sợ quá khứ. Mỗi khi Nice Guy đương đầu với nỗi sợ, anh ta sẽ hình thành niềm tin trong vô thức là anh ta sẽ kiểm soát được tình hình, cho dù anh ta có đang sợ hãi. Sự đương đầu này giúp anh ta đối diện với nỗi sợ quá khứ, điều này giúp cho những nguy cơ xung quanh anh ta sẽ giảm đi sự đe dọa. Nhờ vậy, Nice Guy sẽ có thêm dũng khí để đương đầu với chúng. Càng tự tin bao nhiêu, thì “cuộc chơi” này sẽ dễ dàng bấy nhiêu.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #21
Hãy viết ra một nỗi sợ đã thao túng cuộc đời của bạn. Một khi bạn đã quyết định đương đầu với nó, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng “Tôi có thể làm được, dù cho chuyện gì có xảy ra, tôi sẽ kiểm soát được”. Lặp lại câu “thần chú” này cho đến khi bạn hành động mà không còn cảm thấy sợ hãi!
HÃY PHÁT TRIỂN SỰ CHÍNH TRỰC CỦA BẢN THÂN
Nhiều Nice Guy thường tự hào vì mình trung thực và đáng tin. Nhưng thực tế, các Nice Guy thường rất kém trung thực. Họ có thể nói dối, che đậy sự thật mà vẫn tự huyễn hoặc bản thân rằng mình là người trung thực. Dối trá là hành vi được tạo ra bởi nỗi sợ, và việc nói dối và che đậy sự thật là thứ cướp đi sức mạnh cá nhân của các Nice Guy.
Tôi định nghĩa dối trá là những gì ít hơn sự thật, cho dù đó có là một nửa sự thật. Định nghĩa này có vẻ là điều hiển nhiên với nhiều người. Nhưng việc định nghĩa “dối trá” và “nói ra sự thật” rất là quan trọng, bởi vì các Nice Guy thường rất giỏi trong việc lấp liếm khái niệm để che đậy hành vi của bản thân. Không lạ gì khi nghe những câu như “Tôi khá là thành thật”, “Tôi không thường hay nói dối”, đây là những câu chứa đầy sự mâu thuẫn. Với thái độ như một đứa nhóc, các Nice Guy thường ngụy biện rằng “Tôi đâu có nói dối, chỉ là tôi không nói ra toàn bộ thôi!”
Joel từng là chủ của một công ty xây dựng có tiếng. Anh ta thường xuyên đi làm về sớm một tí để đi xem phim trước khi trở về nhà, bởi vì sợ vợ mình giận, anh thường tìm cách nói dối về việc buổi trưa hôm đó mình đã làm việc như thế nào. Joel luôn có sẵn cho mình những câu chuyện ngụy biện để phòng trường hợp vợ anh bất ngờ gọi điện. Điều buồn cười ở đây là Joel không có lí do gì để nói dối vợ mình cả. Mặc dù anh đã dành nhiều công sức để lừa vợ mình, nhưng anh chưa từng mảy may nghĩ rằng anh không chỉ lừa vợ, mà còn lừa cả chính bản thân. Điều đáng nói ở đây là việc nói dối sẽ tạo nên tâm lý sợ hãi trong mối quan hệ vợ chồng của anh, và Joel đang mất dần đi sức mạnh cá nhân của mình.
Khi Nice Guy bắt đầu tập thành thật, tôi thường yêu cầu họ hãy nhấn mạnh những điểm mà họ không muốn người khác chú ý nhất hay muốn che đậy nhất. Đây chính là những điều họ nên nói ra nhất. Đôi khi các Nice Guy phải tập nói ra một vài sự thật trước khi có thể nói ra toàn bộ mà không giấu giếm.
Đôi khi các Nice Guy cảm thấy việc nói thật là một việc làm sai trái và ngu ngốc vì người nghe cảm thấy tức giận. Nói thật không phải là chìa khóa để có một cuộc đời suôn sẻ, nhưng sống một cuộc đời thành thật sẽ thanh thản hơn là một cuộc đời đầy rẫy sự dối trá và che đậy!
Phát triển sự chính trực chính là một phần quan trọng để có thể thoát khỏi hội chứng Nice Guy.
Tôi định nghĩa chính trực có nghĩa là “quyết định xem điều gì là đúng đắn và thực hiện nó”.
Chúng ta không nên dựa theo số đông để ra quyết định, vì không phải lúc nào số đông cũng đúng. Việc dựa theo số đông chính là con đường dẫn tới sự rối ren, sợ hãi, yếu nhược và dối trá.
Nếu một Nice Guy chưa từng tự vấn bản thân rằng “Đối với tôi, thế nào là đúng?” hay dựa theo số đông để ra quyết định thì anh ta sẽ chẳng bao giờ có được tính chính trực. Nếu anh ta đã tự hỏi bản thân mình câu hỏi trên nhưng lại không làm theo niềm tin của mình, anh ta cũng không phải là người chính trực. Chỉ khi tự vấn lương tâm và làm theo niềm tin về lẽ phải của bản thân thì khi đó anh ta mới là một người đàn ông chính trực.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #22
Hãy nghĩ về một việc nào đó mà bạn không thật sự chính trực, sau đó tự vấn lương tâm mình xem điều gì đã làm mình sợ hãi mà không nói ra sự thật và làm theo lẽ phải. Hãy chia sẻ với người mà bạn tin tưởng, sau đó hãy nói ra sự thật và làm theo lẽ phải. Tự nói với bản thân rằng bạn sẽ kiểm soát được. Có thể việc nói ra sự thật sẽ gây khó chịu cho bạn và người khác, nhưng hãy tin rằng đó là điều đúng đắn!
HÃY ĐẶT RA GIỚI HẠN
Đặt ra giới hạn là điều cần thiết cho việc sinh tồn. Học cách đặt ra giới hạn cũng giúp cho các Nice Guy ngừng mang tâm lý nạn nhân và tìm lại được sức mạnh cá nhân đã bị đánh mất. Tự tạo ra giới hạn của bản thân là một trong những kĩ năng cơ bản nhất mà tôi dạy cho các Nice Guy.
Tôi thường dùng một cọng dây giày và đặt nó trên mặt đất để biểu thị cho giới hạn của Nice Guy, tôi nói với anh ta rằng tôi sẽ vượt qua lằn ranh này và ép anh ta phải lùi lại, và tôi dạy anh ta rằng phải ngăn tôi lại ngay khi anh ta bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Không có gì lạ khi các Nice Guy để mặc cho tôi xâm phạm qua lằn ranh giới hạn và đẩy lùi họ. Họ thường phản ứng rất yếu ớt, thường là bị tôi đẩy lùi vài bước rồi mới bắt đầu phản ứng, có người yếu nhược đến mức cứ để tôi ép tới khi anh ta áp lưng vào tường.
Tôi dùng bài tập này để minh họa sinh động cho các Nice Guy hiểu về tầm quan trọng của đặt ra giới hạn của riêng mình trong mọi khía cạnh cuộc sống. Các Nice Guy thường có xu hướng nhún nhường khi ai đó vượt qua lằn ranh này, vì họ nghĩ rằng nếu họ chịu lùi lại một tí thì “sóng yên gió lặng”.
Cũng không có gì lạ khi các Nice Guy thường thể hiện quá trớn khi họ bắt đầu hiểu ra bài học này. Họ thường có xu hướng cực đoan hóa vấn đề, dần dần họ trở thành kẻ quyết tử vì lằn ranh giới hạn (Phản ứng quá mức cần thiết – ND). Thay vì dùng dây giày, họ lại dùng búa tạ và mã tấu để tạo ra lằn ranh của mình (Ở đây tác giả đang ẩn dụ rằng Nice Guy trở nên quá mức cực đoan với vấn đề này – ND).
Trong quá trình học hỏi này, họ cũng nhận ra rằng vấn đề không phải là thay đổi người khác, mà là thay đổi bản thân. Nếu ai đó xâm phạm giới hạn của họ, lỗi không phải là ở người đó, mà vấn đề là do họ quá yếu nhược.
Bởi vì ảnh hưởng của nỗi sợ quá khứ, các Nice Guy thường vô thức nhân nhượng những hành vi quá quắt đối với họ. Bởi vì vấn đề gặp phải thuở nhỏ của mình, các Nice Guy đã vô tình khiến những người xung quanh họ biết rằng họ sẽ nhún nhường cho dù có bị xâm phạm giới hạn. Một khi đã hiểu ra vấn đề, các Nice Guy sẽ thay đổi cách mà họ để người khác đối xử với mình, hành vi của các Nice Guy cũng dần thay đổi. Họ sẽ không dung túng cho những hành vi quá sức chịu đựng của họ nữa, từ đó những người xung quanh sẽ thay đổi cách ứng xử với họ theo một chiều hướng tích cực hơn, và các mối quan hệ sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển.
Jake – một quân nhân ở độ tuổi ngoài 20, anh là ví dụ cụ thể cho việc nếu nhún nhường quá mức thì một mối quan hệ sẽ trở nên tồi tệ ra sao, và lợi ích của việc tạo ra giới hạn trong các mối quan hệ.
Vợ Kisha của anh đã từng cắm sừng anh khi vụng trộm với bạn trai cũ ngay trước khi hai người kết hôn. Bởi vì quá yêu Kisha nên Jake đã tha thứ cho cô và hứa sẽ không oán trách cô. Điều này đã tạo điều kiện cho Kisha trở nên xem thường anh và làm bất cứ thứ gì cô ta muốn, trong khi Jake thì phải dồn nén chịu đựng và nhẫn nhịn. Thậm chí Jake đã luôn tìm cách để tránh làm cô buồn dù chỉ là một lời nói.
Một lần nọ, khi cả hai đi uống rượu cùng với một vài người bạn, Kisha đã say xỉn quá đà. Mỗi khi say thì cô ta thường trở nên kích động và lẳng lơ, cô ta đã làm mất mặt Jake bằng cách khiêu vũ điệu slow cùng những gã đàn ông khác trong quán bar.
Sau một khoảng thời gian ngậm miệng và cố chịu đựng hết mức có thể, Jake đã nói rằng cô say rồi và cả hai nên về nhà. Kisha đã chửi vào mặt Jake và tiếp tục làm những gì cô muốn, Jake trả đũa bằng cách gọi cô là “con điếm” rồi bỏ về nhà.
Sáng hôm sau bạn của Kisha đưa cô về nhà. Cả ngày hôm đó, cô không nói chuyện với Jake. Mặc dù ban đầu đã cố im lặng, nhưng sau vài giờ khổ sở thì Jake đã xuống nước và xin lỗi vợ vì đã gọi cô là “con điếm”.
Một tuần sau đó, Jake đã kể lại câu chuyện này một cách miễn cưỡng cho nhóm No more Mr. Nice Guy nghe. Các thành viên đã nhẹ nhàng phê bình và chỉ ra cho anh thấy anh đã để vợ mình vượt qua giới hạn của anh, từ đó cô ta sẽ trở nên xem thường chồng. Họ đã nói với Jake rằng lỗi là ở anh, chứ không phải là Kisha. Nếu Jake không thay đổi thì Kisha không có lí do gì để thay đổi cả. Vì không đặt ra giới hạn rõ ràng, Jake đã góp phần khiến cho cuộc hôn nhân của anh trở nên tồi tệ hơn.
Ngày hôm sau, Jake quyết định làm rõ vấn đề với vợ mình. Anh ta nói rõ cho vợ biết vai trò của anh trong mối quan hệ này, các hành vi quá quắt của cô ấy sẽ không được dung túng thêm một lần nào nữa. Jake nói rõ cho vợ biết giới hạn của anh, anh cũng không để cho Kisha khiêu vũ hay đưa đẩy với bất kì người đàn ông nào nữa, cô cũng không được phép làm anh bẽ mặt trước bạn bè. Jake nói rằng nếu Kisha còn muốn giữ cuộc hôn nhân này thì cô phải giải quyết vấn đề say xỉn của mình.
Kisha đã phản ứng mạnh mẽ lại rằng không ai có quyền yêu cầu cô ta phải làm gì, sau đó cô đã dọn đồ và chuyển qua nhà một người bạn. Mặc dù vài ngày sau đó Jake luôn cảm thấy lo sợ và tội lỗi, nhưng anh nhất quyết không gọi cho Kisha hay xuống nước làm lành với cô. Thay vào đó, anh gọi cho những người bạn trong nhóm để tâm sự.
Ba ngày sau, Kisha đã gọi cho Jake và nói là cô muốn nói chuyện. Cô thừa nhận là ban đầu đã rất căm ghét và mong anh chết đi, nhưng cô phải thừa nhận là anh đã nói đúng. Lần đầu tiên kể từ khi kết hôn, cô cảm thấy tôn trọng chồng mình. Cô nói rằng không muốn cuộc hôn nhân này đổ vỡ và cô sẵn sàng làm mọi thứ để cứu vãn nó. Tuần tiếp đó Kisha đã đồng ý trị liệu vấn đề về rượu bia của mình.
BÀI THỰC HÀNH SỐ #23
Trước khi có thể bắt đầu tạo ra giới hạn của riêng mình, bạn phải ý thức được là mình đã nhún nhường đến mức nào khi bị vượt quá giới hạn. Tuần tiếp theo, hay tập trung quan sát bản thân. Bạn có bao giờ nói “Có” trong khi đáng lẽ nên từ chối hay không? Bạn có nhún nhường để tránh xung đột hay không? Bạn có tránh làm việc gì đó vì sợ người khác sẽ buồn không? Bạn có dung túng cho những hành vi quá quắt và mong rằng mọi chuyện mau chóng qua đi hay không? Hãy quan sát thật kĩ và ghi chép lại, sau đó hãy chia sẻ chúng cho một người bạn tin cậy.
HÃY BƯỚC ĐI VÀ TRỞ NÊN MẠNH MẼ!
Không có bí quyết nào cho một cuộc đời suôn sẻ cả! Việc cố trở nên “tốt” và “làm đúng” không giúp Nice Guy thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cuộc sống đầy hỗn loạn và biến cố này. Sự yếu nhược của Nice Guy đã tạo nên những gã hèn sẵn sàng để cho người khác ném cát vào mặt mình, hay xúc phạm mình chỉ vì khởi động máy rửa chén sai cách.
Khi các Nice Guy bắt đầu biết cách buông bỏ, sống trong thực tại, bộc lộ cảm xúc, đối mặt với nỗi sợ, trở nên chính trực, và đặt ra giới hạn, họ sẽ có cho mình dũng khí để chấp nhận thử thách và những “món quà” của cuộc sống. Cuộc sống chắc chắn không dễ dàng và đơn điệu như một vòng quay ngựa gỗ, mà nó đầy kịch tính như trò tàu lượn siêu tốc. Một khi tìm lại được sức mạnh cá nhân, các Nice Guy có thể tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống này, một vẻ đẹp không thể đoán trước được. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và dễ chịu, nhưng nó là một cuộc hành trình thú vị mà không ai được phép bỏ qua!