More

    11 Tư Duy Giúp Bạn Sớm Thành Công

    “Người bình thường thay đổi kết quả, người xuất sắc thay đổi nguyên nhân, và những bậc thầy hàng đầu thay đổi tư duy.”

    Giáo sư tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford đã đề cập trong nghiên cứu về sự trưởng thành suốt đời rằng, sự khác biệt giữa con người không phải là do tài năng hay mức độ chăm chỉ, mà là do cách tư duy. Cấp độ tư duy của một người chính là giới hạn tối đa của cuộc đời họ. Dưới đây là 11 cách tư duy hàng đầu, nếu nuôi dưỡng chúng, bạn sẽ đạt được thành công sớm hơn người khác.

    1. Tư Duy Thích Nghi

    Một giọt nước có trọng lượng khoảng 50 lần trọng lượng của một con muỗi. Khi kết hợp với gia tốc do trọng lực tác động, giọt nước lên muỗi không khác gì một chiếc xe buýt to đâm thẳng vào người. Nhưng tại sao trong những ngày mưa, hầu hết muỗi vẫn an toàn?

    Một giáo sư người Mỹ đã sử dụng camera tốc độ cao để ghi lại cảnh muỗi thoát hiểm trong mưa. Khi giọt nước rơi vào cánh và chân của muỗi, nó sẽ nghiêng mình theo hướng giọt nước, rồi lật mình để giọt nước trượt khỏi thân. Cơ thể muỗi được phủ một lớp vật liệu chống nước giống như lá sen, giúp chúng dễ dàng thoát khỏi giọt nước bằng cách chỉ cần duỗi chân và cánh. Ngay cả khi bị giọt nước đánh trúng, muỗi sẽ nương theo lực đẩy của giọt nước và cùng rơi xuống, sau đó nhanh chóng điều chỉnh tư thế để tách ra khỏi giọt nước và tiếp tục bay.

    Dù giọt nước có nặng đến đâu, muỗi vẫn có thể thoát hiểm nhờ khả năng liên tục điều chỉnh chiến lược ứng phó với môi trường và tình huống. Điều này cũng chứng minh quan điểm của Darwin trong thuyết tiến hóa rằng, loài tồn tại không phải là loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là loài phản ứng nhanh nhất với sự thay đổi.

    Andy Grove, nhà sáng lập Intel, từng đề xuất lý thuyết thay đổi với tốc độ gấp 10 lần: sự thay đổi từ bên ngoài luôn nhanh hơn những gì chúng ta dự đoán gấp 10 lần. Bạn thử nhìn mà xem, bao nhiêu công việc từng ổn định đã bị biến đổi hoàn toàn? Bao nhiêu nghề từng thịnh vượng đang bị thay thế bởi thực tế ảo? Trong thời đại liên tục chuyển động này, nếu muốn ổn định, chúng ta phải chủ động thích nghi với thay đổi.

    2. Tư Duy Xác Suất

    Trong thế chiến thứ hai, hải quân Hoa Kỳ tại Đại học Columbia giao nhiệm vụ phân tích dữ liệu và đưa ra chiến lược tối ưu để giảm thiểu tổn thất máy bay. Họ thu thập dữ liệu lỗ đạn phân bố khác nhau của máy bay, và cho rằng nên gia cố các vị trí bị bắn trúng nhiều nhất. Thoạt nghe thì hợp lý, nhưng nhà toán học tài năng Abraham Wald lại phản đối. Ông cho rằng nên gia cố ở những nơi ít có lỗ đạn nhất, chính là ở động cơ.

    Wald giải thích rằng, từ quan điểm xác suất, mọi bộ phận của máy bay đều có cơ hội bị bắn trúng như nhau. Nhưng tại sao lỗ đạn trên động cơ lại ít hơn? Ông suy đoán rằng, những chiếc máy bay bị bắn trúng động cơ không thể quay về, còn những máy bay có lỗ đạn trên các bộ phận khác, vẫn có thể hạ cánh an toàn. Tương tự như việc bệnh nhân bị thương ở chân nhiều hơn ở ngực, không phải vì chân dễ bị thương hơn, mà vì những người bị thương ở ngực thường đã chết.

    Người bình thường chỉ nhìn thấy những chiếc máy bay bị bắn trúng, nhưng những bậc thầy nhìn thấy những “lỗ đạn” bị mất tích. Khoảng cách giữa họ nằm ở tư duy xác suất. Người sở hữu tư duy xác suất có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn.

    Bậc thầy đầu tư Charlie Munger từng ví sự khôn ngoan trong đầu tư của mình giống như câu chuyện câu cá: “Quy tắc đầu tiên của câu cá là câu ở nơi có cá, và quy tắc thứ hai là luôn nhớ quy tắc đầu tiên.” Cả đời chúng ta đối mặt với ba vấn đề: nên làm gì, không nên làm gì và nên lặp lại việc gì. Tư duy xác suất giúp chúng ta nhận ra những việc có thể làm, những việc không nên làm, và những việc cần làm lâu dài.

    3. Tư Duy Đòn Bẩy

    Vào những năm 1850, thư viện Anh cần chuyển hơn 13 triệu quyển sách từ cơ sở cũ ở London đến cơ sở mới tại St. Pancras. Ước tính chi phí vận chuyển lên đến 3,5 triệu bảng Anh. Nếu bạn là người quản lý thư viện, bạn sẽ nghĩ đến cách nào để giảm chi phí? Thuê nhân công rẻ hơn? Giảm chi phí vận chuyển? Nhưng trước khối lượng công việc khổng lồ, mọi giải pháp có vẻ như chỉ là muối bỏ biển.

    Người có tư duy đỉnh cao sẽ làm gì?

    Một nhân viên trẻ trong thư viện đã tìm đến người quản lý. Người nhân viên trẻ đã nói với người quản lý: “Tôi có một cách, chỉ cần cho tôi 150.000 bảng Anh là đủ.” Ngày hôm sau, người trẻ tuổi này đã đăng một thông tin trên báo rằng: “Từ ngày hôm nay, thư viện Anh Quốc sẽ mở cửa miễn phí và không giới hạn cho tất cả các công dân. Để tiết kiệm chi phí cho việc chuyển địa điểm, xin vui lòng trả sách tại thư viện mới theo địa chỉ đã chỉ định.” Người trẻ tuổi đã biến tư duy truyền thống về việc chuyển sách thành tư duy trả sách. Chỉ tốn một phần nhỏ ngân sách dự kiến, và đã hoàn thành 90% công việc chuyển sách. Tư duy đòn bẩy thực sự mạnh mẽ như vậy.

    Trong cuốn sách “Thiên tài ở bên trái, Kẻ điên ở bên phải” có một câu: “Nếu tư duy là một bức tường, thì thế giới nằm ở phía bên kia của bức tường. Thế giới này không bao giờ có ngõ cụt. Thứ duy nhất cản trở bạn, chính là tư duy cố định của bạn.” Khi bạn gặp vấn đề và đi vào ngõ cụt, hãy thử đổi hướng, có thể bạn sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm.

    4. Tư Duy Bốn Chiều

    Michael Simmons, một tác giả sách bán chạy người Mỹ, đã dành 5 năm để nghiên cứu về các doanh nhân tỷ phú tự lập. Ông phát hiện rằng, những nhà sáng lập xuất sắc này có tư duy rất giống nhau. Khi đối mặt với vấn đề, họ sử dụng tư duy bốn chiều để nhìn thế giới, trong khi hầu hết mọi người vẫn chỉ dừng lại ở tư duy một chiều.

    Người có tư duy một chiều giới hạn tầm nhìn của mình trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Người có tư duy bốn chiều có thể nhìn thấy từ quá khứ đến tương lai, xuyên suốt hàng trăm năm để đưa ra quyết định. Người có tư duy một chiều chỉ theo đuổi lợi ích ngắn hạn, trong khi người có tư duy bốn chiều chú trọng đến lợi ích lâu dài.

    Ví dụ như Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon. Ông sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đô la cho những thí nghiệm có thể thất bại hoặc mất đến 7 năm mới có lợi nhuận. Hay như Warren Buffett, chủ tịch của Berkshire Hathaway, chỉ đầu tư vào những công ty mà ông tin rằng mình có thể giữ trong hàng thập kỷ. Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank, từng hỏi các nhân viên của mình một câu hỏi: “Tại sao hầu hết mọi người không đạt được thành công lớn?” Các nhân viên đều lúng túng.

    Masayoshi Son vẽ một ngọn núi trên giấy, bên dưới ngọn núi là một vòng tròn, và trên đỉnh núi là một vòng tròn khác. Hai vòng tròn nối với nhau bằng chữ “Lý tưởng”. Ông nói rằng, lý tưởng giống như một ngọn hải đăng dẫn đường. Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ kiên nhẫn hơn, bình tĩnh và kiên định hơn. Thành công ngắn hạn sẽ không làm bạn mất phương hướng, và thất bại tạm thời cũng không khiến bạn sợ hãi. Vì vậy, đừng đánh giá quá cao những thành tựu ngắn hạn của một năm, và cũng đừng đánh giá thấp những thay đổi của 10 năm. Luôn làm đúng điều cần làm, thời gian sẽ cho bạn câu trả lời.

    5. Tư Duy Thượng Nguồn

    Đội ngũ biên tập của một chương trình thực tế đã từng phỏng vấn các lập trình viên hàng đầu trong nước, và hỏi họ rằng thách thức cốt lõi trong nghề của họ là gì? Có thể bạn nghĩ rằng công việc của họ chỉ xoay quanh việc viết code tốt hơn, nắm vững nhiều ngôn ngữ lập trình hơn? Nhưng câu trả lời của những chuyên gia này lại hoàn toàn không, không liên quan đến điều đó. Họ đều đồng loạt đưa ra câu trả lời: truy vấn nhu cầu.

    Phó chủ tịch của Tencent đã chia sẻ một câu chuyện. Trong thời gian ông làm việc tại Google, khi đó ông chịu trách nhiệm nâng cao tỷ lệ chuyển đổi từ tìm kiếm sang quảng cáo. Lần đó, đội ngũ kinh doanh của công ty nhận thấy tỷ lệ chuyển đổi của người dùng Trung Quốc thấp, và đề xuất với bộ phận kỹ thuật rằng, nên tăng kích thước font chữ của quảng cáo và thay đổi màu nền để nổi bật hơn. Thay vì điều chỉnh trực tiếp, ông và nhóm của mình đã hỏi: “Vấn đề cốt lõi mà các bạn muốn giải quyết là gì?” Sau khi trao đổi, họ nhận ra rằng nhóm kinh doanh muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi.

    Khi điều tra thêm, họ phát hiện ra rằng trang web của các cổng thông tin tại Trung Quốc thường chứa nhiều banner ở phần đầu, khiến người dùng không để ý đến phần trên của trang, mà cuộn thẳng xuống dưới. Vị trí hiển thị quảng cáo Google lại nằm ngay trên cùng. Sau đó, họ di chuyển vị trí quảng cáo xuống cuối trang, và tỷ lệ chuyển đổi tăng lên. Những kỹ sư hàng đầu, không chỉ tập trung vào việc viết mã, mà họ còn nhìn thấy nhu cầu của con người đằng sau dòng mã. Đây chính là tư duy thượng nguồn.

    Trong cuốn sách “Phương pháp tư duy biểu đồ của McKinsey”, phương pháp tư duy biểu đồ McKinsey cũng đề cập đến một nguyên tắc làm việc tương tự.

    6. Tư Duy Kiến Lười

    Tại Đại học Hokkaido Nhật Bản, một nhóm nghiên cứu về Sinh học tiến hóa đã tiến hành một thí nghiệm với ba nhóm kiến (mỗi nhóm gồm 30 con) để quan sát cách chúng phân chia công việc. Họ phát hiện rằng, trong đàn, hầu hết kiến đều rất chăm chỉ, bận rộn làm sạch tổ, vận chuyển thức ăn, và chăm sóc con non. Nhưng một số kiến lại tỏ ra rất lười biếng. Chúng chỉ loanh quanh ngó nghiêng khi những con khác đang làm việc. Các nhà sinh học gọi những con này là kiến lười.

    Và điều đáng ngạc nhiên là, khi nhóm nghiên cứu cắt đứt nguồn thức ăn của bầy kiến, những con kiến chăm chỉ trở nên hoảng loạn, trong khi những con kiến lười đánh dấu, nhanh chóng dẫn đàn tìm nguồn thức ăn mới. Thực ra, những kiến lười không hề dành thời gian chỉ để thám thính. Đây là cái gọi là hiệu ứng kiến lười.

    Chuyên gia tâm lý học Jordan Peterson từng đưa ra một bảng tự kiểm tra như sau:

    • Bạn dành nhiều thời gian cho những việc dễ làm nhất, và tự mãn rằng dù không có thành tích, nhưng đã bỏ ra nhiều công sức.
    • Trì hoãn dưới danh nghĩa chuẩn bị, trông có vẻ bận rộn, nhưng thực tế chẳng có tiến triển nào.
    • Không bao giờ kiểm tra kết quả công việc.
    • Đọc rất nhiều sách, nhưng không bao giờ tổng kết được quy luật, hoặc có tổng kết thì cũng không áp dụng vào cuộc sống.

    Nếu bạn có những dấu hiệu trên, đã đến lúc thay đổi. Khi cắm cúi tiến lên, đừng quên ngước nhìn lên xa hơn để thấy rõ hướng đi.

    7. Tư Duy Khung Cảnh

    Vào giữa thế kỷ 19, nhà tâm lý học Kurt Koffka đã đưa ra lý thuyết về khung cảnh, cho rằng môi trường bên ngoài có hai loại: một là môi trường địa lý (là môi trường thực tế), hai là môi trường hành vi (là môi trường trong tưởng tượng của con người).

    Ông kể một câu chuyện thế này:

    Một đêm mùa đông, một người đàn ông cưỡi ngựa đến trước một quán trọ. Trong cơn bão tuyết mù mịt, ông vui mừng vì đã tìm được chỗ trú chân. Chủ quán ngạc nhiên ra đón và hỏi người đàn ông từ đâu tới. Người đàn ông chỉ về hướng ngoài quán trọ. Nghe vậy, chủ quán kinh hoàng nói: “Ông có biết không? Ông đã vừa cưỡi ngựa vượt qua hồ Constance!” Nghe xong, người đàn ông ngã gục ngay dưới chân chủ quán.

    Khi người đàn ông cưỡi ngựa qua hồ, hồ chính là môi trường địa lý. Còn trong suy nghĩ của ông, đó chỉ là một cánh đồng phủ đầy tuyết. Nếu ông biết mình đang vượt qua một cái hồ lớn nguy hiểm, có lẽ ông sẽ không dám cưỡi ngựa phi nhanh trên đó. Nhưng vì ông nghĩ đó là đất cứng, nên ông mới tiếp tục tiến bước. Sau khi biết sự thật, ông bị sốc đến mức gục ngã. Con người là sản phẩm của môi trường. Cách tốt nhất để thay đổi bản thân là luôn đặt mình vào môi trường nuôi dưỡng.

    • Muốn tăng khả năng tập trung, hãy tạo ra một không gian không bị quấy rầy.
    • Muốn nâng cao nhận thức, hãy gỡ bỏ những ứng dụng video ngắn kém chất lượng, và thay vào đó đọc những cuốn sách kinh điển.
    • Muốn có tâm trạng tích cực, hãy tránh xa những thứ khiến bạn phiền muộn, ít tranh cãi với người khác, và dành nhiều thời gian hòa mình vào thiên nhiên.

    Nếu bạn không hài lòng với tình trạng hiện tại, hãy bắt đầu từ việc thay đổi môi trường, thay đổi bản thân ngay bây giờ.

    8. Tư Duy Chuyển Hướng

    Không phải mọi bức tường đều đáng để đâm vào. Cuộc sống vốn có nhiều khả năng, và không có quy định nào bắt buộc bạn phải đi theo một con đường đến cùng. Dù gặp khó khăn, khi đường không thông, việc thay đổi con đường kịp thời chính là cách chịu trách nhiệm tốt nhất cho cuộc đời mình.

    Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện về chị họ của mình. Cô ấy đã ngoài 30 tuổi, có một công việc ổn định, nhưng trong mắt người thân, cô vẫn bị xem là gái ế. Mỗi lần tụ họp gia đình, cô không tránh khỏi bị chất vấn bởi các cô chú. Sau đó, cha mẹ cô nhờ người giới thiệu cho cô một chàng trai. Cả hai có sở thích tương đồng và nhanh chóng có cảm tình với nhau. Chẳng bao lâu, họ đã bàn đến chuyện kết hôn.

    Một ngày, chị họ tình cờ phát hiện tin nhắn trên điện thoại của bạn trai, và biết rằng anh ta có thói quen cờ bạc. Mỗi tháng, gần như toàn bộ lương của anh đều tiêu vào việc này, và gia đình anh còn giúp anh giấu diếm điều đó. Ban đầu, chị cố gắng khuyên nhủ anh từ bỏ, vì cờ bạc rất dễ gây nghiện. Dù anh không phản bác, nhưng cũng không để tâm lời khuyên. Rồi một ngày, anh đột ngột đến vay tiền chị để trang trải cuộc sống. Chị ngạc nhiên hỏi anh: “Vừa mới nhận lương mà tại sao lại cần vay tiền?” Anh trả lời: “Tôi đã thua hết rồi!” Thậm chí, anh còn tỏ ra bực bội và trách móc: “Chưa cưới mà cô đã xía vào chuyện của tôi rồi!”

    Nghe vậy, chị không nói thêm lời nào, lập tức quay lưng bước đi về nhà ngay. Tối hôm đó, chị đã chủ động đề nghị chia tay. Ngày hôm sau, cả hai bên gia đình liên tục khuyên chị nên suy nghĩ lại, cho rằng chàng trai sẽ thay đổi và không nên từ bỏ dễ dàng. Nhưng chị vẫn kiên quyết chia tay. Sau đó, chị gặp được một người đàn ông tốt hơn, còn chàng trai kia thì vì cờ bạc mà nợ nần chồng chất, thậm chí còn mất việc và phải trốn nợ.

    Trong câu chuyện này, điều cốt lõi là không phải sự kiên trì nào cũng có kết quả. Nhưng có những thứ không nên kiên trì mãi, vì đó chỉ là sự cố chấp. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, và không phải mọi bức tường đều đáng để chúng ta đâm đầu vào. Việc từ bỏ sáng suốt sẽ tốt hơn so với sự cố chấp mù quáng. Kịp thời dừng lại, rút chân ra khỏi vũng lầy mới có thể tìm thấy cuộc sống mới.

    9. Tư Duy Lấp Hố

    Nếu bạn không thể giải quyết vấn đề, bạn sẽ trở thành vấn đề.

    CEO của Alipay, Bành Lỗi, từng nói: “Dù quyết định của Jack Ma là gì, nhiệm vụ của tôi chỉ có một: giúp quyết định đó trở thành quyết định đúng đắn nhất.” Thành công lớn nhất của một người nằm ở khả năng giải quyết vấn đề. Dù là trong công việc hay cuộc sống, tư duy lấp hố chính là năng lực cạnh tranh cốt lõi.

    Nhà văn Chu Kỳ từng kể về một trải nghiệm cá nhân. Khi anh mới vào làm tại một công ty, chỉ sau 3 ngày, trợ lý CEO đột ngột thông báo anh tham gia một cuộc họp. Vừa bước vào phòng họp, trước khi hiểu rõ nội dung, anh đã bị CEO mắng thẳng mặt: “Anh là người phụ trách trang web của công ty đúng không? Trang web tệ thế này thì phải nhanh chóng cải tổ! Trong 30 ngày, tôi muốn thấy phiên bản mới được ra mắt!” Lúc đó, Chu Kỳ ngẩn người. Anh chỉ mới làm được 3 ngày, và hoàn toàn không biết gì về vận hành trang web.

    Nhưng anh nhanh chóng hiểu rằng, đây là một cái bẫy do những người đi trước đặt ra để thử thách anh. Nhiều người có thể sẽ từ chối nhận việc, nhưng Chu Kỳ không hề từ chối. Anh chỉ gật đầu và tiếp tục. Trong suốt một tháng đó, anh bận rộn không ngừng, lập kế hoạch cho các chuyên mục, tìm kỹ thuật viên, điều phối công việc của đội ngũ thiết kế UI. Và cuối cùng, anh đã kịp ra mắt phiên bản mới trước thời hạn. CEO rất hài lòng, và sau đó phát hiện rằng anh vốn không phải người phụ trách trang web. Điều này khiến CEO càng thêm đánh giá cao anh. Và đề nghị Tổng giám đốc bổ nhiệm Chu Kỳ làm quản lý phòng sản phẩm, đồng thời đề cử anh làm nhân viên xuất sắc của tập đoàn trong năm.

    Chỉ sau hơn một tháng làm việc, từ một nhân viên mới, Chu Kỳ đã trở thành người được sếp trọng dụng, nhờ khả năng lấp hố. Chu Kỳ nói rằng, mỗi lần phải lấp hố là một cơ hội để tự rèn luyện và phát triển bản thân. Giúp nâng cao ý chí và tâm lý mạnh mẽ. Từ đó, trở thành người có khả năng đối phó tự nhiên với mọi khó khăn và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.

    Công việc luôn là một chuỗi hố nối tiếp sau hố, và việc của bạn là học cách lấp hố thật tốt. Chỉ khi lấp đầy hố, bạn mới có thể tiếp tục tiến bước. Khoảng cách giữa người với người thể hiện ở khả năng có thể lấp hố hay không. Khi đối mặt với khó khăn, những người xuất sắc thường biết cách tìm giải pháp, trong khi người tầm thường lại tìm cách biện minh cho sự bất lực của mình và trốn tránh trách nhiệm. Một người có thể tiến xa đến đâu, phụ thuộc vào khả năng lấp hố của họ lớn đến mức nào.

    10. Tư Duy Thùng Gỗ

    Chắc chắn đừng để khuyết điểm của bạn hủy hoại ưu thế của mình.

    Người thật sự thông minh là người vừa biết rõ điểm mạnh của mình, vừa nhìn thấy điểm yếu. Thay vì cứ cố gắng đối mặt với những điểm yếu, hãy tìm cách khai thác tối đa điểm mạnh của bản thân, và tìm ra những khoảnh khắc tỏa sáng của riêng mình.

    Có một nhà khoa học nổi tiếng người Đức tên là Otto Wallach. Khi còn nhỏ, ông theo ý nguyện của bố mẹ và học ngành Văn chương, nhưng bản thân ông lại không hề có hứng thú với Văn chương. Sau một học kỳ, giáo viên phải thông báo với cha mẹ ông rằng: “Wallach rất chăm chỉ, nhưng quá cố chấp. Một người như thế, dù có phẩm hạnh hoàn hảo, cũng không thể phát huy trong Văn trường.” Bố mẹ ông sau đó lại cho ông học hội họa, nhưng giáo viên dạy hội họa cũng đánh giá ông không có năng khiếu. Các bức tranh của ông không được ai chú ý.

    Wallach đã gặp rất nhiều thất bại khi đi sai đường. Điều này làm giảm đáng kể sự tự tin của ông. Cho đến khi giáo viên dạy hóa học tốt bụng của ông khuyên nhủ: “Cậu rất tỉ mỉ và có năng khiếu thực hành, sao không thử theo đuổi hóa học?” Và từ đó, khả năng của Wallach như bùng cháy. Ông nhanh chóng phát triển thành một tài năng xuất sắc trong lĩnh vực hóa học. Năm 1910, ông đã giành được giải Nobel hóa học, nhờ thành công trong việc tổng hợp hương liệu nhân tạo.

    Cổ ngữ có câu: “Thước có ngắn, tấc có dài”. Sự phát triển trí tuệ của con người không đồng đều. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Khuyết điểm có thể trở thành vật cản trên đường đời, và hạn chế sự phát triển của chúng ta. Người thông minh là người biết phát huy điểm mạnh và tránh điểm yếu. Từ đó mới có thể mở ra con đường đời ngày càng rộng lớn và suôn sẻ.

    11. Tư Duy Cốc Rỗng

    Đôi khi việc thiết lập lại cuộc đời, đòi hỏi phải làm rỗng tâm trí.

    Trên mạng từng có một câu chuyện thế này:

    Một thanh niên sau khi thất bại trong khởi nghiệp, đã đổ lỗi cho thời đại và hoàn cảnh xung quanh. Sau đó, nghe cha mẹ nói về một vị thiền sư đắc đạo ở chùa, anh quyết định đến gặp ông. Ban đầu, đệ tử của thiền sư tiếp đón anh, nhưng anh lại tỏ ra cao ngạo và nói: “Một tiểu hòa thượng thì làm sao có đủ tư cách để tiếp đón tôi?” Không lâu sau, thiền sư đích thân đón tiếp anh một cách rất khiêm nhường.

    Khi thiền sư pha trà, dù cốc đã đầy, ông vẫn tiếp tục rót thêm nước. Thanh niên thắc mắc hỏi: “Tại sao cốc đã đầy mà thầy vẫn tiếp tục rót?” Thiền sư cười đáp: “Đúng vậy! Cốc đã đầy thì làm sao có thể đổ thêm nước được nữa?” Nghe thấy điều này, anh chợt ngộ ra. Thiền sư đã nhắc nhở anh rằng, bất kể ở đâu hay lúc nào, ta cũng cần giữ một tâm thế chống rỗng. Chỉ khi luôn biết làm rỗng bản thân, và không bám víu vào quá khứ, ta mới có thể xây dựng lại tương lai.

    Diễn viên Mã Y Lợi từng chia sẻ trong một chương trình, về một chi tiết nhỏ khi cô diễn chung với Trần Đạo Minh. Trần Đạo Minh, một diễn viên nổi tiếng với kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp, đã thể hiện khả năng ấy qua những lời thoại và hành động của mình. Sau khi diễn xong, Trần Đạo Minh không vội vã rời đi, mà đứng yên lặng bên cạnh, chăm chú xem các diễn viên trẻ diễn xuất. Mã Y Lợi không kìm được tò mò, và hỏi thầy Trần: “Thầy thường đứng bên xem chúng tôi diễn, có điều gì muốn chỉ bảo không?” Trần Đạo Minh mỉm cười trả lời: “Dù tôi là một tiền bối, nhưng tôi luôn tâm niệm trong lòng, phải giữ vững thái độ học hỏi. Hòa mình vào thế hệ trẻ, mà không hề kiêu ngạo.”

    Là một diễn viên hàng đầu quốc gia, Trần Đạo Minh vẫn giữ tinh thần “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư” – trong ba người đi cùng, ắt có người là thầy ta. Luôn khiêm tốn học hỏi. Chính nhờ tư duy cốc rỗng này, mà kỹ năng diễn xuất của ông ngày càng điêu luyện.

    Nhà văn Pháp Émile Zola từng nói: “Toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nằm ở việc khám phá không ngừng những điều chưa biết, và không ngừng gia tăng kiến thức.” Nếu một người chỉ mãi đắm chìm trong hào quang của quá khứ và tự mãn, thì họ sẽ không thể đạt được những bước đột phá mới. Những người xuất chúng thường dám làm mới bản thân, xóa bỏ quá khứ, và khởi đầu lại từ đầu, để tạo nên một phiên bản tốt hơn của chính mình.

    Bạch Nham Tùng từng nói: “Giá trị và địa vị xã hội của một người, tỷ lệ thuận với khả năng không thể thay thế của họ.” Khả năng không thể thay thế đến từ đâu? Đến từ nhân cách độc lập và cách tư duy độc đáo. Cuộc đời là một hành trình rèn luyện khả năng phá vỡ những giới hạn tư duy.

    • Học vấn là chiếc huy chương đồng
    • Năng lực là huy chương bạc
    • Mối quan hệ là huy chương vàng
    • Và tư duy chính là quân bài át chủ.

    Phương pháp tư duy đúng đắn quan trọng hơn nhiều so với nỗ lực. Tư duy chuyển hướng giúp kịp thời dừng lại và chuyển mình. Tư duy lấp hố nâng cao năng lực, tạo ra khoảng cách với người khác. Tư duy thùng gỗ chắc chắn, giúp khám phá và làm nổi bật ưu điểm. Tư duy cốc rỗng giúp cuộc sống được tái lập, bắt đầu lại từ đầu. Phần còn lại của cuộc đời, mong rằng chúng ta đều sở hữu những phương pháp tư duy đỉnh cao để sống hòa hợp hơn với thế giới này.

    Có câu nói: “Thành tựu mà bạn đạt được trong cuộc đời này đến đâu, phụ thuộc vào mô hình tư duy của bạn.” Cách nghĩ quyết định con đường, tư duy không vươn tới được độ cao nào, thì bước chân cũng chẳng thể đến đó. Những cuốn sách bạn đọc, những con đường bạn đi, những trải nghiệm bạn có, và những người bạn gặp, đều là những viên đá lót đường giúp nâng cấp tư duy của bạn. Tiếp tục mài giũa trên thế gian, rèn luyện trong tâm, và rồi một ngày bạn sẽ vượt qua những giới hạn của chính mình để nhìn thấy thế giới lớn hơn.

    Cảm ơn bạn đã theo dõi nội dung hôm nay, nếu bạn cảm thấy nội dung của tôi có giá trị, đừng quên chia sẻ với bạn bè và người thân. Hãy theo dõi tôi để biết thêm về những bí mật của tiền bạc. Xin mến chào và hẹn gặp lại.

    Bài viết mới

    Related articles

    spot_img